Liên kết vùng để kích cầu du lịch

Trong bối cảnh du lịch quốc tế đang bị “đóng băng” do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã xác định kích cầu du lịch nội địa là giải pháp quan trọng nhất. Thực tế, hoạt động du lịch nội địa đã và đang dần hồi phục sau thời gian giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh. Trong đó, hoạt động liên kết du lịch vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đang được xúc tiến mạnh mẽ.
Ngay khi ngành du lịch được kích hoạt trở lại sau đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam, Đồng Nai là một trong 15 địa phương đầu tiên trong cả nước hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm kích cầu với nhiều chương trình ưu đãi, giá hợp lý.* Tiềm năng du lịch vùng ĐNB

Với lợi thế là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh, thành có sự phát triển kinh tế sầm uất của cả nước, đời sống người dân vùng ĐNB cơ bản ở mức ổn định, nhu cầu hưởng thụ, vui chơi, giải trí ở mức khá cao. Vùng ĐNB có 6 tỉnh, thành bao gồm: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dân số của vùng khoảng gần 18 triệu người (chiếm 18,7% dân số cả nước).

Thống kê kết quả hoạt động du lịch năm 2019 tại các địa phương vùng ĐNB cho thấy, các tỉnh, thành phố trong vùng đón được hơn 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 160 ngàn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 22,2% cả nước, là vùng có doanh thu du lịch cao nhất cả nước so với các vùng khác.
 
Du lịch Nam Bộ đang ngày càng phát triển
 
Du lịch các tỉnh ĐNB nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, là cầu nối du lịch Bắc - Nam, điểm đầu của tuyến du lịch xuyên Á… Đây cũng là khu vực có các tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị, thể thao, mua sắm… Với những tiềm năng trên có thể thấy, sự phát triển du lịch vùng ĐNB sẽ góp phần đưa ngành du lịch phía Nam cũng như cả nước có sự đa dạng, phong phú, mang bản sắc văn hóa dân tộc riêng.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, vùng ĐNB là địa bàn có nhiều vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, rừng ngập mặn Cần Giờ; các vườn Quốc gia: Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh). Bên cạnh đó, vùng ĐNB còn có các tài nguyên du lịch với cảnh quan núi, sông, hồ như: núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh); núi Chứa Chan, hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước)…, đây là những tiềm năng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các chuỗi liên kết, sản phẩm du lịch sinh thái rừng, núi, sông, hồ. Ngoài những cảnh quan thiên nhiên, ĐNB còn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng nổi tiếng như: Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), Dinh Độc Lập (TP.HCM), nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
 
Du lịch Nam Bộ có tiềm năng rất lớn

Là DN du lịch phát triển khá mạnh các tour nội địa, ông Nguyễn Quang Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Grandtour (tỉnh Bình Dương) cho biết, ông rất tâm huyết với phát triển du lịch ĐNB. ĐNB có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên việc khai thác tiềm năng đúng tầm thì vẫn còn bỏ ngỏ. ĐNB có cả hệ thống rừng, hồ, sông, di tích lịch sử cùng với ngành nông nghiệp có sự đa dạng về các loại cây ăn trái nên rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Đứng trên góc độ DN du lịch, ông cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh khâu quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch, song song đó công ty sẽ quảng bá, kết nối tour tham quan giữa các tỉnh ĐNB. “Từ nhiều năm trước, công ty của tôi đã tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ kết nối các DN du lịch để tìm hướng đi cho du lịch ĐNB nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mục đích như ý. Tôi hy vọng thời gian tới, khi các địa phương có sự kết nối trong phát triển du lịch, ĐNB sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách trong cả nước” - ông Ánh cho biết thêm.

* Tìm hướng đi chung cho du lịch cấp vùng
Theo chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐNB là một trong 7 vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với du lịch cả nước. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là: du lịch đô thị, du lịch hội họp, hội nghị, triển lãm, tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo.

Dù có sự phát triển mạnh về du lịch nhưng thời gian qua, ngành du lịch Đông Nam bộ chưa có sự kết nối để tạo ra những sản phẩm du lịch. Theo các chuyên gia du lịch, những thiệt hại của ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã cho thấy, các DN du lịch, lữ hành cần nhìn nhận và có hướng đi phù hợp để hạn chế tối đa thiệt hại khi có diễn biến phức tạp. Theo đó, việc phát triển du lịch nội địa, mà trong đó, loại hình du lịch sinh thái sẽ là hướng phát triển mà các địa phương nhắm tới do nhu cầu tham quan, du lịch của người dân sẽ có sự thay đổi, hướng tới du lịch an toàn, gần gũi thiên nhiên.
 
Du lịch sinh thái ở Nam Bộ đang phát triển

Chị Trần Thị Thanh Hồng (KP.9, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, những năm gần đây, gia đình chị thường chọn các điểm du lịch sinh thái để nghỉ dưỡng trong các dịp lễ, Tết. Theo chị Hồng, khi nghỉ dưỡng tại những điểm du lịch sinh thái sẽ giúp gia đình chị được quây quần vui chơi, cùng khám phá thiên nhiên, các con chị Hồng rất thích thú khi được đạp xe trong rừng hoặc trên những con đường quê vừa để khám phá môi trường thiên nhiên vừa vận động cơ thể. Sau mỗi kỳ nghỉ, gia đình chị như được tiếp thêm năng lượng để làm việc.

TS Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai đánh giá, để du lịch ĐNB phát triển đúng với tiềm năng thì một trong những giải pháp thiết yếu nhất hiện nay là sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, sự phối hợp từ khâu hoạch định chiến lược đến tổ chức tour, tuyến, kết nối các sản phẩm đặc trưng để thu hút khách lưu trú… phát huy tối đa khả năng của mỗi địa phương và toàn vùng. Để làm được điều này, theo TS Phan Ngọc Sơn, cần sớm có một hệ thống quản trị du lịch sinh thái cấp vùng với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, DN du lịch. Hệ thống quản trị du lịch sinh thái vùng sẽ hướng đến hình thành một hệ thống quản trị - kết nối - bảo tồn - khai thác - phát triển các giá trị du lịch sinh thái của vùng, tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng của vùng ĐNB.
 

Chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh cũng như hạn chế của ngành du lịch ĐNB, PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ĐNB là địa bàn có sự phong phú về hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, vùng ĐNB có khoảng 3 ngàn loài thực vật với nhiều loài gỗ quý. Các hệ sinh thái đặc trưng và đa dạng sinh học có khả năng mang lại những giá trị du lịch cao, đặc biệt là du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… trong vùng.

Hiện nay, để có thể khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nhiều địa phương vùng ĐNB như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM đã xây dựng riêng cho mình quy hoạch hoặc định hướng phát triển du lịch sinh thái, đây được xem là yếu tố tích cực để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vùng, góp phần tích cực vào phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam.