Hà Nội kích cầu du lịch, chuyển mình thu hút khách

Chưa thể đón du khách quốc tế trở lại, Hà Nội triển khai hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa; các điểm du lịch trong nội đô xây dựng nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn.
Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là một trong đơn vị tiên phong trong việc định hướng, xúc tiến nhiều chương trình dành cho khách nội, với nội dụng mới, như chương trình “Đưa Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đến gần hơn với công chúng” bằng các hoạt động quảng bá rộng rãi khi mở điểm giới thiệu và bán vé ngay tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ban quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò chủ động phối hợp với dịch vụ xe điện, xích lô, xe 2 tầng hỗ trợ du khách đi từ phố đi bộ về khu di tích. Chương trình trải nghiệm về đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò có sự phối hợp của Cty lữ hành Hanoitourist hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách sự trải nghiệm và cảm xúc đặc biệt.

Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội

Theo ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, chương trình trải nghiệm ở Nhà tù Hoả Lò về đêm xây dựng nhiều chủ đề giúp cho du khách có thể lựa chọn. Với thực tế giới trẻ không có quá nhiều sự hứng thú, quan tâm đến lịch sử văn hóa, việc trải nghiệm buổi đêm Hỏa Lò hy vọng có thể kích thích sự tò mò khám phá, lôi kéo nhiều độ tuổi tham gia. Được biết, tour khám phá kéo dài từ 45 phút cho đến 1 tiếng đồng hồ, dự kiến khởi động vào trung tuần tháng 7.

Ông Đặng Văn Biểu - Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho hay, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng “bằng tâm huyết và nỗ lực, chúng tôi tin rằng việc kéo du khách nội địa trở lại sẽ từng bước đạt được”. Ông Biểu khẳng định, việc quảng bá chương trình Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra phố đi bộ hay mở cửa trải nghiệm buổi đêm là hướng đi khá táo bạo, thể hiện sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức khu di tích, sự chung tay vào cuộc của Thành phố, Sở Du lịch Hà Nội, Ủy ban Quận với mục đích kích cầu du lịch nội địa của Hà Nội.

Một góc khác tại nhà tù Hỏa Lò
 
Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt bằng vật liệu truyền thống như gốm, sứ, tre... gắn với những giá trị đặc trưng, đóng vai trò “Đại sứ thương hiệu” của di tích. Các hoạt động giáo dục di sản tại di tích sẽ thực hiện phương pháp mới, kết hợp yếu tố dân gian với công nghệ hiện đại nhằm tạo sự thích thú, tương tác cho du khách và học sinh.

Không chỉ riêng Nhà tù Hỏa Lò, các khu di tích khác như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long... dù đã mở cửa trở lại được gần 1 tháng, nhưng lượng khách đến không nhiều như mong đợi. Những người làm du lịch đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách nội địa. Mặc dù các đơn vị cũng có một số chiến lược quảng bá, nhưng để thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách cần phải có nhiều yếu tố khách quan khác. 

Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội
 
Ông Lại Văn Quân - Trưởng phòng Du lịch Cty du lịch Tricolour tin tưởng, sự kết nối chặt chẽ giữa các điểm đến và các công ty lữ hành sẽ có thêm nhiều những sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách. Doanh nghiệp lữ hành hiểu khách hàng thích và cần gì, ngược lại đơn vị điểm đến biết điểm mạnh để giới thiệu, và khi cùng kết hợp sẽ tạo ra hiệu ứng nhất định trong việc chào bán sản phẩm. “Chưa thể dự đoán được sự kết hợp sẽ thành công hay thất bại nhưng chắc chắn một điều, hướng đi mới này sẽ làm thay đổi tư duy du lịch theo thời gian”, ông Quân lạc quan.

Theo thống kê từ Sở Du lịch TP.Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,13 triệu lượt khách, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 961 nghìn lượt khách, giảm 65,2% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt khoảng 3,17 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16.639 tỉ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nguồn: Anh Thảo - Báo Lao Động