Triển vọng từ vùng trồng Cát cánh trên rẻo cao Bắc Hà

Thời điểm này, những vùng trồng dược liệu Cát cánh trên rẻo cao Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đang trổ hoa tím biếc, ngút tầm mắt một màu tím rịm, cuốn hút dưới thung sâu hay trên những nương đồi dốc…, tạo nên diện mạo mới và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá. Cây dược liệu Cát cánh với “lợi ích kép” đã, đang được kì vọng là cây trồng chủ lực xóa nghèo, góp sức đổi thay diện mạo nông thôn và chính cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Hoa Cát cánh buông sắc tím trên vạt đường đến với xã vùng cao Tả Văn Chư

Những “lợi ích kép”
 
Theo chân cán bộ khuyến nông Trần Văn Sơn và Bí thư Đảng ủy xã Tả Văn Chư Sùng Seo Vảng đến thăm, “mục sở thị” thung lũng hoa Cát cánh tím biếc, rộng hơn 10ha của thôn Lả Dì Thàng tiếp giáp gần xã Lùng Phình, Bí thư Sùng Seo Vảng phấn khởi, “trước đây, cả dài đất này là nương, đồi trồng ngô một vụ của bà con, thu hoạch bấp bênh lắm, có năm được mùa cũng chỉ đạt từ 20-30 triệu đồng/ha. Nhưng đến nay khu vực này đã được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng Cát cánh. Mấy năm nay, xã Tả Văn Chư tập trung hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để tăng thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, trong đó cây dược liệu nói chung, cây Cát cánh nói riêng đang khẳng định “lợi ích kép” rõ rệt. Theo tính toán, mỗi một ha cây dược liệu Cát cánh có thể mang lại thu nhập từ 150-170 triệu đồng, cao gấp từ 7- 8 lần so với cấy lúa, trồng ngô”. Ông Giàng Seo Hồ là người tại thôn Lả Dì Thàng đã hơn 3 năm gắn bó với cây Cát cánh. Vụ thu hoạch năm 2019, gia đình trồng 6.000m2 với 2 loại cây Cát cánh và đương quy nhưng cho thu hoạch trên 140 triệu đồng. Đây là hộ có thu nhập cao nhất từ trồng Cát cánh của xã. Hay như gia đình chị Tráng Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ thôn Lả Dì Thàng, trồng trên dưới 3000m2 nhưng vụ thu hoạch năm 2019 mang về trên 75 triệu đồng từ tiền bán củ và hạt giống... Các hộ này đều là những người tiên phong đi đầu, rất tích cực học hỏi nắm bắt quy trình kĩ thuật trong canh tác trồng và chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu..., anh Trần Văn Sơn cho hay.
 
Vùng cao Tả Văn Chư (Bắc Hà) từng được biết đến với nhiều lợi thế cho phát triển du lịch.Nơi đây có động Thiên Long, có các bản làng người Mông đẹp như tranh vẽ với những nếp nhà trình tường đất. Dịp này lại có thêm hàng chục ha Cát cánh trổ hoa tím biếc, mênh mông một dải rất đẹp, rất cuốn hút. Mùa hoa Cát cánh nở từ tháng 6 đến cuối tháng 8. Đã có rất đông đoàn khách đến tham quan, khám phá, thích thú chụp ảnh trên các cánh đồng dược liệu trổ hoa tím biếc.
 

Bà con đã quan tâm học hỏi, áp dụng quy trình kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Cát cánh
 
Tiếp tục trồng mở rộng diện tích
 
Chia sẻ về những triển vọng thực tiễn từ cây lược liệu Cát cánh trên cao nguyên Bắc Hà, bà Nguyễn Thị Huê - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, việc trồng Cát cánh tại Bắc Hà đang hứa hẹn nhiều triển vọng. Mặc dù Cát cánh là cây trồng mới, khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm sóc nhưng thực tiễn tỏ ra khá phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng, khí hậu ở Bắc Hà, đặc biệt là tại xã vùng cao Tả Văn Chư, có thể trồng mở rộng diện tích vào vụ tới.
 
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết cây Cát cánh được đưa về trồng trên đồng đất vùng cao Tả Văn Chư từ cuối năm 2016, đến nay đã là vụ thứ 4. Việc trồng, mở rộng diện tích cây dược liệu ở Tả Văn Chư cũng rất đặc biệt. Nếu như năm 2017, thời điểm đầu triển khai “thí điểm” chỉ là mô hình nhỏ chừng 2ha, người dân ai cũng e dè, cán bộ, đảng viên phải làm trước, nêu gương trước để bà con học tập, nhân rộng… Những người đi đầu có thể kể tới nguyên Chủ tịch UBND xã Tráng Ba Điện; Bí thư Đảng ủy xã Sùng Seo Vảng trồng 3000m2 năm 2018, thời điểm ấy đã thu được 31 triệu đồng hạt giống, 20 triệu đồng củ tươi. Nhận thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, các năm tiếp theo, diện tích vùng trồng Cát cánh ở Tả Văn Chư tiếp tục được nhân rộng theo từng năm. Đáng mừng là bà con địa phương đã hăng hái đăng kí tham gia, chính quyền vào cuộc tuyên truyền, chỉ đạo tích cực. Ở một số thôn, dù không còn được hỗ trợ khi dự án sắp kết thúc, nhưng bà con đã tự giác, tích cực chuyển đổi từ trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng Cát cánh và Đương quy. Thôn Lả Dì Thàng là 1 ví dụ. Với 53 hộ được đánh giá là tích cực nhất trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá thế thuần nông. Trước đây, bà con trong thôn chỉ biết trồng ngô một vụ, đời sống kinh tế bấp bênh, đến nay, nhiều diện tích nương đồi trồng ngô kém hiệu quả đã chuyển sang thành vùng quy hoạch trồng cây Cát cánh, mở ra nhiều triển vọng xóa nghèo và làm giàu chính đáng. Từ Lả Dì Thàng, phong trào trồng, mở rộng diện tích lan rộng ra các thôn khác của xã như Sín Chải, Xà Ván - Sừ Mừn Khang.
 

Hoa Cát cánh buông sắc tím trên vạt đường đến với xã vùng cao Tả Văn Chư
 
Những năm gần đây, bức tranh sản xuất ở các xã vùng cao của huyện nói chung, xã vùng cao Tả Văn Chư nói riêng đang có những bước phát triển mới nhờ đầu tư trồng dược liệu và cây ăn quả ôn đới. Bí thư Sùng Seo Vảng nhận định, “nếu bà con các thôn của Tả Văn Chư cùng hăng hái thi đua trồng dược liệu thì sẽ thúc đẩy được kinh tế phát triển, sẽ giảm được số hộ nghèo, cận nghèo. Song để dược liệu thành cây trồng mũi nhọn, cây chủ lực xóa nghèo thì chính quyền xã và bà con nơi đây rất mong đơn vị thu mua, tính toán, cân nhắc, giúp tiêu thụ cả sản phẩm hoa để làm trà túi lọc, hoặc hạt làm giống cung cấp cho các địa phương khác khi có nhu cầu, giúp địa phương có thể tận dụng tối đa các sản phẩm từ cây Cát cánh để hiệu quả kinh tế mang lại từ cây dược liệu ngày càng cao”.
 
“Lợi ích kép” của việc chuyển đổi mô hình trồng cây dược liệu không chỉ giúp bà con Bắc Hà có thêm thu nhập mà còn khiến cho du lịch nơi đây thêm khởi sắc. Bên cạnh những đặc sản có sẵn, những sản phẩm từ dược liệu Cát cánh hoàn toàn có thể trở thành những sản phẩm quà tặng du lịch có giá trị của địa phương.

Nguồn: Báo Du Lịch