Kỳ 1: Homestay “Nhà em ở lưng đồi”

Sở hữu ngôi nhà sàn có vị trí rất đẹp ở Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) vợ chồng Lâm A Nâng và Vàng Thị Cân đang tràn đầy hy vọng đây sẽ là điểm homestay đông khách sau rất nhiều nỗ lực của mình.
Ngôi nhà sàn của hai vợ chồng Nâng – Cân có vị trí rất gợi nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Đức Trịnh. Nằm lưng chừng trên đồi, sau lưng là rừng quế, trước mặt là ruộng bậc thang, chung quanh là gió núi và hương rừng, ngôi nhà là nơi ở của ba thế hệ người Tày vốn đã sinh sống rất lâu đời ở đây, nay chấp nhận “mở cửa”, sửa sang để đón những người khách lạ vào ở cùng.
Đây vốn không phải là điều dễ dàng chấp nhận đối với những người Tày quanh năm chỉ quen với núi rừng, ruộng nương, đặc biệt là với những gia đình gồm nhiều thế hệ chung sống. Thế nhưng, ở đây, khi những vị khách đầu bước vào nhà, đã nhận thấy sự ấm áp, thân thiện “như ở nhà”.
 
Bữa tối với cơm nhà, rau trong vườn, cá và vịt dưới ao cùng những loại rau rừng ngay trên đồi.
 
 
Đoàn khách gồm các phóng viên báo chí, truyền hình là những vị khách đầu tiên đến với homestay của nhà Nâng – Cân. Ấn tượng đầu tiên của khách khi đến là sự đón chào vô cùng nồng nhiệt của cả gia đình. Nâng chạy xe máy từ nhà qua những đoạn đường dốc ven ruộng đón khách, lần lượt chở đồ của cả đoàn vào nhà. Cân trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày, hồ hởi chạy đến nắm tay hỏi han từng vị khách.
 
Ông bà dẫn khách lên nhà, chỉ cho khách từ chỗ nghỉ ngơi, khu vệ sinh, xách túi, vali lên sàn cho khách, tíu tít, xoắn xuýt như thể người thân ở xa lâu ngày gặp lại. Bữa cơm tối, chủ đãi khách bằng gà trong vườn, cá dưới ao, rau hái trên rừng hoặc dưới vườn, mâm cơm gần như chẳng phải mua gì từ chợ cả. Cả gia đình tíu tít mời khách, giới thiệu từng món ăn, giục khách thưởng thức, đi lấy thêm thức ăn… những bước chân chạy vội rộn rã cả sàn nhà. 

 
Buổi sáng, khách xuống nhà nấu bữa sáng cùng chủ nhà

Lâm A Nâng và Hà Thị Cân bắt tay vào chỉnh trang ngôi nhà của mình để làm homestay từ tháng 7-2019. Bắt đầu từ những cuộc họp về nông nghiệp, phụ nữ ở trong thôn, được khuyến khích đăng ký làm nông nghiệp sạch, cung cấp thực phẩm an toàn cho du lịch. Khi đó, gia đình được gợi ý đăng ký thêm dịch vụ lưu trú, bởi vì có ngôi nhà ở vị trí đẹp, yên tĩnh. Hai vợ chồng bảo nhau liều một phen, mặc dù chưa hề biết dịch vụ lưu trú là gì.

 
Giường ngủ "view" ruộng bậc thang

Được hỗ trợ khoản tiền 50 triệu đồng để chỉnh trang nhà cửa, Nâng và Cân quyết định tự làm lấy hết toàn bộ. Ban ngày đi làm vườn, làm ruộng, hái chè, bẻ quế, chiều tối về tự đi chở xi măng, gạch, gỗ về làm lại sân, khu vệ sinh… Tự xây, tự trát, tự lợp mái…, thậm chí khu nhà tắm, nhà vệ sinh còn được thiết kế cửa với tay nắm bằng những đoạn tre rất “điệu”, gần gũi với thiên nhiên và phù hợp với khung cảnh chung quanh.

Hỏi thì Nâng kể “Em tranh thủ lúc đi làm có mạng, vào Youtube tìm mẫu thấy hay hay nên làm theo”. Căn nhà gỗ gần 40 năm tuổi của ông bà được hai vợ chồng cùng một người cháu ở gần đó tự tay chà ráp lại gỗ, vừa sạch sẽ mà vẫn giữ được nét cổ kính.
 
Một khoảnh ruộng rau.
 
Nâng làm thợ điện ở cách nhà khoảng 3km, Cân ở nhà chăm lo ruộng vườn. Một khoảng ruộng bậc thang trước nhà trồng lúa, nuôi trâu, lợn, gà vịt, ao thả cá trắm cỏ. Đàn ngựa tám con thả trên đồi, đêm tiếng ngựa về chuồng gõ móng lộc cộc khi đi qua nhà. Ngoài lúa, gia đình còn trồng ngô, sắn để nuôi đàn gia súc, gia cầm đó. Phía trước là đồi chè, sau lưng là rừng quế 20 năm.
 
“Từ sáng đến tối không hết việc” – Cân than thở, nhưng vẫn đủ thời gian để tự làm lấy hết mọi việc, biến ngôi nhà sàn của ông bà thành điểm dừng chân thú vị. 
 
Khung cảnh vùng cao Bắc Hà rực rỡ trong nắng sớm.
 
Ban đầu, chúng em cũng phải thuyết phục mãi, ông bà mới đồng ý. Ông bà cũng ngần ngại, bởi vì đây là không gian sống chung của cả đại gia đình, còn cả nơi thờ cúng tổ tiên, nhưng rồi hai cụ cũng hiểu ra. Bậc làm cha mẹ, ai cũng mong muốn cho con cái thành công’ – Nâng kể.
 
Từ ước nguyện ấy, cả nhà dồn sức, dồn công của và cả sự tâm huyết, lòng nhiệt tình của mình vào căn nhà homestay, nóng lòng chờ đón những vị khách đầu tiên.
 
Căn nhà hoàn thành cuối năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho nên mọi dự kiến đón khách du lịch đều bị ngừng lại. Đoàn khách khảo sát dự án cùng báo chí đi farmtrip là những vị khách đầu tiên đến khai trương homestay của gia đình người Tày dễ mến này.

Từ nhà sàn của Nâng - Cân, có thể ngắm cảnh ruộng bậc thang và nhìn thấy con đường phía trên. 

Lâm A Nâng và Vàng Thị Cân cùng với Lâm A Hà và Vàng Thị Thông là hai cặp vợ chồng đăng ký tham gia dự án của Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED). Dự án hỗ trợ vốn, hỗ trợ cả về tập huấn nghiệp vụ vận hành homestay, nấu ăn, và dạy tiếng Anh “đón đầu” phục vụ khách nước ngoài.

Vừa mới đi vào hoạt động, nhưng hai căn nhà homestay này là điển hình cho sự thay đổi về tư duy của những người dân tộc thiểu số, vốn lâu nay chỉ quen làm nông, làm vườn chứ chưa từng biết đến khách du lịch. 
 

Từ nhà sàn, nhìn ra chỗ nào cũng được ngắm khung cảnh đẹp như thế này.

Hiện tại, homestay của Nâng – Cân hoàn toàn tách biệt với cuộc sống hiện đại: mới chỉ có điện, không có sóng điện thoại và internet, du khách đến ở hoàn toàn có được trải nghiệm sống  hòa vào giữa không gian bao la của núi rừng. Trước mắt, hai vợ chồng trẻ này đang tràn đầy những dự định.

“Em định trồng hoa chung quanh nhà trang trí cho đẹp. Ít nữa, tận dụng nguồn chè nhà có, chúng em sẽ mở thêm dịch vụ hái lá chè, hái giảo cổ lam, bẻ quế, tắm lá chè hoặc lá thuốc dân tộc. Có thể sẽ kéo dây lắp wifi để khách liên lạc với bên ngoài khi cần” – Cân nói, ánh mắt tràn ngập sự hứng khởi. 

Nguồn: báo Nhân Dân