Kỳ 3 Những bản nghèo khởi sắc

Những dự án du lịch cộng đồng của nhiều tổ chức, đơn vị đang tiếp cận và hỗ trợ bà con các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng cao, vùng sâu, xa thuộc các tỉnh phía bắc đang góp phần làm thay đổi bộ mặt những bản, xóm làng nghèo nơi đây.
Thay đổi bộ mặt bản làng
 
Điều đầu tiên gây ấn tượng đối với du khách khi đến với xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) là những khóm hoa, dãy hoa được trồng khắp nơi, dọc con đường từ bến thuyền lên các căn nhà sàn trong xóm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ phong quang, không đọng một mảnh rác. Đá Bia là nơi có năm hộ làm homestay, nhiều thứ nhì trong số các xã theo dự án của Công ty du lịch cộng đồng Đà Bắc (Đà Bắc CBT) tại hai huyện Đà Bắc và Tân Lạc. Và đây cũng là nơi có những thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi tiếp cận với dự án của CBT Đà Bắc. 
 

Trước đây, Đá Bia là xóm nghèo, vốn chỉ sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ là chính. Xóm nghèo, giao thông không thuận tiện, điều kiện không thuận lợi về thông tin liên lạc, internet không có. Lò Thị Trang, chủ homestay Lakeview ở đây chia sẻ: “Khi chưa làm du lịch, người dân ở đây rất nghèo, chỉ quan tâm đến miếng cơm manh áo hằng ngày, nhận thức rất thấp”.

Ngày nay, tuy du lịch chưa phải là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân trong xóm, nhưng đã góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt của cả xóm. Nhận thức của người dân cũng thay đổi rõ rệt. Khách du lịch đến đông, môi trường được cải thiện. Trước kia người dân ở đây thường xả rác bừa bãi, không thu gom rác. Bây giờ họ đã biết phân loại rác, tự xử lý, không để chuồng trại gần nơi ở. 
 

Ngoài việc giữ cho đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, trồng hoa trang trí, người dân ở Đá Bia còn khôi phục và duy trì những Quán tự giác, nơi người mua hàng tự bỏ tiền vào ống khi lấy một món đồ nào đó ở quán. Những Quán tự giác này đã trở thành điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách mỗi khi đến với Đá Bia. Điểm du lịch cộng đồng ở xóm Đá Bia đã được trao giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2016.

Xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, Hòa Bình) cũng là một trường hợp tương tự. Trước đây, người dân trong xóm sinh sống bằng nghề đi rừng, làm nương, không có nhiều nguồn thu nhập và không ổn định. Dân trong xóm nuôi gia súc ngay bên dưới nhà sàn, ruồi muỗi, côn trùng rất nhiều, chưa kể nguy cơ bệnh dịch và ô nhiễm môi trường sống.

Dự án du lịch cộng đồng của CBT Đà Bắc vào thuyết phục, hướng dẫn bà con cách giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, dời chuồng trại khỏi nơi sinh sống, đồng thời huấn luyện các nghiệp vụ phục vụ khách, nấu ăn.
 

Chị Lý Sao Mai, người dân xóm Sưng hiện đang làm điều phối viên du lịch cộng đồng tại địa phương cho biết, hiện tại trong xóm có ba gia đình làm du lịch cộng đồng, quy mô mỗi nhà sàn chứa được khoảng 15 khách và trước khi dịch Covid-19 xảy ra thì luôn kín chỗ, hầu hết là khách nước ngoài.

Các gia đình không làm homestay thì tham gia các dịch vụ khác như xe ôm chở khách, nấu ăn, cung cấp thực phẩm, làm hướng dẫn viên tại chỗ… và đều có thêm thu nhập. Không những thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao ở đây cũng được khôi phục, lập thành đội, tổ, vừa giữ nghề vừa để bán cho du khách, tăng thu nhập cho các thành viên.
 

Du lịch cộng đồng không những thế còn giúp thay đổi cả hạ tầng, cơ sở vật chất của địa phương nếu biết cách quảng bá và phát triển đúng hướng. Ở Lâm Bình, các homestay phát triển được khoảng một năm, đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hệ thống giao thông được cải thiện rất nhiều.

Ông Lương Duy Doanh, homestay Nặm Đíp (xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết thêm, tuyến đường từ Chiêm Hóa đến Lâm Bình dài 50km sẽ được nâng cấp mở rộng thành đường bê-tông lòng đường rộng 9m, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn khoảng 60 phút. Cùng với tuyến đường Phú Thọ lên Tuyên Quang được rút ngắn thời gian di chuyển thêm khoảng 60 phút nữa, đi từ Hà Nội lên Nặm Đíp chỉ mất khoảng 190 phút. 

Giữ gìn văn hóa bản địa

Du lịch cộng đồng cũng góp phần vào việc khuyến khích, thúc đẩy người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương cũng như của các dân tộc. Ở homestay Nặm Đíp (xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang), ngoài việc người dân trong xóm tham gia các dịch vụ phụ trợ như cung cấp thực phẩm, chuyên chở…, ở đây còn thành lập tổ văn nghệ địa phương, chuyên biểu diễn các tiết mục truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao, Thái phục vụ cho du khách.
 

Anh Lương Duy Doanh, chủ đầu tư homestay Nặm Đíp cho biết, anh sử dụng toàn bộ lao động ở địa phương vì mong muốn du lịch cộng đồng bên cạnh việc tạo thêm việc làm và thu nhập thêm cho người bản địa, còn góp phần gắn kết bảo tồn văn hóa bản địa. Những món ăn bản địa được du khách thích thú tìm hiểu và thưởng thức, những khúc ca, điệu nhạc truyền thống của dân tộc trình diễn cho du khách đã giúp bà con cố gắng hơn, hoàn thiện hơn, và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Sức hấp dẫn của tổ văn nghệ Nặm Đíp lan tỏa đến mức, nhiều em nhỏ cũng thích thú và xin tham gia tập luyện, biểu diễn cùng. 


Ở xóm Ké (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc), người dân cũng hình thành một tổ văn nghệ, chuyên biểu diễn những bài hát hoặc khúc nhạc truyền thống của dân tộc, những bài biểu diễn trong những nghi lễ tâm linh liên quan đến đời sống của người Mường trên vùng lòng hồ sông Đà. Tổ văn nghệ gồm cả các bà, các cô lớn tuổi cùng các thiếu nữ trẻ trung, tối nào không có du khách thì chăm chỉ tập luyện, còn tự đầu tư trang phục, phụ kiện… để phục vụ khách. 
 

Ở Đá Bia, ngay cả người dân cũng phải thừa nhận du lịch cộng đồng đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của xóm nhỏ này… Lò Thị Trang cho biết, trước kia, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không được người dân để ý giữ gìn. Khi làm du lịch cộng đồng, thấy đó chính là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách, người dân đã quay trở lại bảo tồn, phục dựng lại, giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, mặc lại trang phục dân tộc khi đón khách.
 


Du lịch cộng đồng tác động khá mạnh mẽ đến đời sống xã hội, kinh tế của người dân nhiều địa phương. Bộ mặt bản làng thay đổi, những thói quen sống văn minh, tốt đẹp được bà con tiếp nhận, nhưng họ vẫn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo, hấp dẫn của riêng dân tộc mình. Du lịch cộng đồng lâu nay đã trở thành cả cần câu và cả ao cá đối với người dân nghèo của một số địa phương vùng cao.

Nguồn báo: Nhân Dân